Hỏi & Đáp

Mindfulness có liên quan gì tới Phật giáo?

Mindfulness có phải là thiền không?

Mindfulness có dùng để trị liệu tâm lý không?

Nên làm gì khi tôi không có thời gian thực hành mindfulness?

Độ tuổi nào có thể thực hành mindfulness?

Tôi có thể dạy mindfulness cho con tôi không?

Tôi có thể dạy mindfulness cho học sinh tôi không?

Có nên đưa mindfulness vào trường đã có GDCX rồi không?

 

Mindfulness có liên quan gì tới Phật giáo?

Đáp: Bắt nguồn từ Phật giáo, mindfulness giúp người thực hành có được sự hiện diện, biết được những gì đang xay ra ở hiện tại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người tiên phong đưa khái niệm mindfulness tới phương Tây, và cho đến năm 1979, Tiến sĩ khoa học Jon Kabat-Zinn bắt đầu dùng mindfulness như một kỹ thuật giảm stress ở Bệnh viện Y thuộc Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ.

Jon Kabat-Zinn định nghĩa mindfulness là “ý thức đạt được khi chú tâm vào hiện tại một cách có chủ đích và không phán xét”. Với ông, định nghĩa này liên quan đến sự tập trung và thái độ trung lập, không bị giới hạn bởi tôn giáo.

Trong 40 năm qua ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học liên kết thực hành mindfulness phi tôn giáo với sự thay đổi của não bộ và sức khỏe tinh thần.  Dần dần mindfulness được phổ cập như một kĩ năng, được ứng dụng trong ngành y tế (cho cả bệnh nhân lẫn y bác sĩ), trường học (cho cả giáo viên và học sinh), doanh nghiệp đa ngành nghề như Google, IBM, SAP, Aetna…

Về đầu trang

 

Mindfulness có phải là thiền không?

Đáp: Có nhiều cách hiểu khác nhau về mindfulness và thiền, tùy thuộc vào ngữ cảnh và văn hóa.

Trong khuôn khổ hoạt động của MindFitness, mindfulness là sự chú tâm có ý thức về những gì đang xảy ra trong bạn và xung quanh bạn, với thái độ tò mò và tử tế.

Chúng tôi hiểu thiền là quá trình rèn luyện tâm trí để đạt được các mục tiêu khác nhau như thư giãn, tập trung, tĩnh tâm, điều hòa năng lượng…Có nhiều loại thiền khác nhau, như thiền ca, thiền tràng hạt, đọc kinh, thiền hình dung (visualization), thiền siêu việt (Transcendental Meditation)…

Theo cách hiểu của chúng tôi, mindfulness là trạng thái của tâm trí còn thiền là một quá trình. Chúng ta có khái niệm mindfulness, thiền, và thiền mindfulness.

Ví dụ khi chúng ta ngồi trong tĩnh lặng 5 phút để rèn luyện sự tập trung qua việc quan sát hơi thở, có thể nói là chúng ta đang thiền mindfulness.

Ở ví dụ khác, chúng ta đang tranh luận với đồng nghiệp và có thời điểm chúng ta nhận thấy hai bên đều đang nóng tính, chưa chắc tranh luận tiếp sẽ hiệu quả, và chúng ta quyết định hít thở sâu để bình tĩnh, và lịch sự đề xuất tiếp tục nói chuyện sau 15 phút nữa. Thời điểm đó tâm trí bạn đang ở trạng thái mindful - có mindfulness (mindful: tính từ, mindfulness: danh từ) và bạn không đang thiền.  

Về đầu trang

 

Mindfulness có dùng để trị liệu tâm lý không?

Đáp: Mindfulness được ứng dụng để chăm sóc sức khỏe tinh thần nói chung và để trị liệu tâm lý nói riêng

  • Phương pháp Giảm Stress dựa trên mindfulness (Mindfulness-Based Stress Reduction) do Jon Kabat-Zinn khởi xướng ở trường Đại học Y khoa Massachusetts từ năm 1979
  • Liệu pháp Nhận thức dựa trên mindfulness (Mindfulness-Based Cognitive Therapy) cho trị liệu trầm cảm do Segal và đồng nghiệp khởi xướng từ năm 2002
  • Ngoài ra, mindfulness được ứng dụng trong các cấu phần của Liệu pháp Chấp Nhận và Cam Kết (Acceptance and Commitment Therapy) dùng để đối phó với cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, hay trong Liệu pháp Hành vi biện chứng (Dialectical Behavior Therapy) để giảm nỗ lực tự tử hay tự hủy hoại bản thân

Tuy nhiên, MindFitness không phải là trung tâm tham vấn tâm lý. Chúng tôi cung cấp các bài thực hành mindfulness, và có thể bổ trợ cho hoạt động trị liệu tâm lý mà bạn đang tham gia.

Về đầu trang

 

Nên làm gì khi tôi không có thời gian thực hành mindfulness?

Đáp: Có hai cách phổ biến khi luyện tập mindfulness thành thói quen

  1. Thực hành bài bản: các bài thiền rèn luyện sự tập trung quan sát, ý thức, với thái độ tò mò, không phán xét và thường kéo dài 10-30 phút
  2. Thực hành ứng dụng: khoảnh khắc có mindfulness trong các hoạt động thường ngày.  

Nếu bạn không sắp xếp được 10-20 phút để thực hành bài bản, thì có thể dành 2-5 phút tĩnh tâm thực hành. Quan trọng là thường xuyên thực hành để hình thành thói quen và tạo liên kết mới trong não bộ.

Mỗi ngày bạn có thể lên kế hoạch khi nào sẽ thực hành ứng dụng (ví dụ lúc uống trà/cà phê buổi sáng, ăn trưa, lúc lái xe...), thậm chí có thể đặt hẹn giờ để đưa thực hành mindfulness vào cuộc sống thường ngày.

Ngoài ra, khi bạn tin rằng thời gian thực hành mindfulness là khoản đầu tư cho tương lai, giúp bạn làm việc tập trung hơn, đỡ mất thời gian lo lắng, bực mình với đủ chuyện trong ngày, thì bạn sẽ có động lực hơn để thực hành.

Về đầu trang

 

Độ tuổi nào có thể thực hành mindfulness?

Đáp: Mindfulness là sự luyện tập chủ ý của sự tập trung. Thông thường, trẻ từ 4 tuổi trở lên có thể thực hành các bài tập mindfulness liên quan đến sự tập trung, nhận thức về cảm xúc.

Trẻ dưới 4 tuổi mà có hứng thú với các bài tập mindfulness thì vẫn có thể tham gia các hoạt động, đặc biệt liên quan đến miêu tả và nhận thức về cảm xúc.

Về đầu trang

 

Tôi có thể dạy mindfulness cho con tôi được không?

Đáp: Chúng tôi khuyến khích xây dựng thói quen thực hành mindfulness trong gia đình. Bạn hãy chia sẻ những gì bạn học được và đang thực hành với con. Nếu con thấy hứng thú thì khuyến khích con làm theo, không nên ép buộc vì sẽ tạo sự phản kháng từ phía con và không hiệu quả.

Bạn có thể đưa mindfulness vào các hoạt động thường ngày trong gia đình như

  • trong bữa ăn: gợi ý con thử nhai kĩ hơn và cảm nhận vị rõ nét hơn
  • lúc rửa tay hay tắm gội: gợi ý con tập trung cảm nhận nước chạm từng phần của da
  • khi đi dạo: gợi ý con cảm nhận bước chân, rồi quan sát cảnh vật, người đi đường

Những hoạt động này giúp rèn luyện khả năng nhận thức, tập trung và nuôi dưỡng trí tò mò.  Trong lúc hướng dẫn con, nếu bạn có thắc mắc thì hãy thẳng thắn cho con biết mình cũng đang học hỏi, và có thể tìm hiểu các nguồn hỗ trợ khác nhau để giải đáp thắc mắc.

Về đầu trang

 

Tôi có thể dạy mindfulness cho học sinh của tôi được không?

Đáp: Bạn có thể chia sẻ những kiến thức về não bộ, và các kỹ năng mindfulness với học sinh của mình, vì những thông tin này cũng có ích cho trẻ. Đồng thời, bạn có thể khuyến khích học sinh cùng thực hành mindfulness qua các hoạt động như gọi tên, miêu tả cảm xúc, cảm nhận cơ thể, thả lỏng cơ thể, và học cách lấy lại bình tĩnh...

Nếu bạn định dạy mindfulness như một bộ môn trong lớp, thì chúng tôi khuyến khích bạn nên trau dồi kinh nghiệm về giảng dạy mindfulness vì vài lý do sau.

Trước hết, học sinh học bằng quan sát thực tế cách bạn làm nhiều hơn là qua lý thuyết điều bạn nói. Nếu bạn muốn dạy mindfulness, thì việc đầu tiên là bạn nên thực hành mindfulness thường xuyên và trở thành tấm gương cho trẻ.

Thứ hai, bộ não trẻ đang tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là phần vỏ não trước trán liên quan đến việc tư duy, quản lý cảm xúc, đưa ra quyết định có trách nhiệm. Trong giai đoạn này, trẻ cần sự hỗ trợ của người lớn để có thể giúp trẻ điều chỉnh hành vi. Việc có kiến thức về não bộ và tâm sinh lý trẻ rất quan trọng để giúp giáo viên giảng dạy mindfulness và kết nối với trẻ.

Thứ ba, có thể phát sinh các tình huống khó trong giảng dạy mindfulness như trẻ từng bị tổn thương hay bạo hành, hoặc trẻ có nhiều biểu hiện chống đối, và giáo viên cần được trang bị kỹ năng để đối phó.

Ngoài ra, khi mindfulness được đưa vào trường học thì phụ huynh có thể yêu cầu Ban Giám Hiệu hay giáo viên trình bày về môn này. Phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu giáo viên am hiểu về môn học và có thể giải đáp thắc mắc của phụ huynh. Vì vậy, giáo viên nên chủ động chuẩn bị trước cho mối tương tác này. 

Về đầu trang

 

Trường tôi có chương trình GDCX rồi, có nên đưa mindfulness vào nữa không?

Đáp: Thông tin về Mindfulness và GDCX

Bạn có thể cân nhắc đưa mindfulnes vào trường vì mindfulness bổ trợ chương trình GDCX, giúp đưa kỹ năng trả lời câu hỏi "làm thế nào" để thực hiện 5 khung của GDCX. Đặc biệt, mindfulness là nền tảng để xây dựng hai cấu phần về Tự nhận thức và Tự quản lý của GDCX.

MindFitness có thể hỗ trợ trường bạn lồng ghép mindfulness vào chương trình GDCX có sẵn, hoặc thiết kế giáo trình mindfulness riêng để bổ trợ.

Về đầu trang